Các nhà xuất bản Mỹ kêu gọi Trump miễn trừ với Kinh thánh được in ở Trung Quốc nếu áp thuế với 300 tỷ USD hàng hóa từ nước này.
Các doanh nghiệp xuất bản Mỹ đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump không áp thuế 25% với các mặt hàng in ấn sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có Kinh thánh và sách thiếu nhi, do lo ngại nguy cơ thiếu hụt các sản phẩm này ở thị trường Mỹ.
Trump trước đó đe dọa sẽ áp thuế 25% với 300 tỷ USD với các hàng hóa còn lại từ Trung Quốc, sau khi tăng thuế với 200 tỷ USD để đáp trả việc Bắc Kinh phá bỏ dự thảo thỏa thuận thương mại đã cam kết. Trung Quốc phản ứng bằng cách tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng chính quyền không lường trước các tác động tiêu cực tiềm tàng khi mức thuế quan được áp dụng đối với Kinh thánh trong gói áp thuế dự kiến với Trung Quốc, cũng như họ không bao giờ có ý định áp ‘thuế Kinh thánh’ đối với người tiêu dùng và các tổ chức tôn giáo Mỹ”, Mark Schoenwald, giám đốc điều hành nhà xuất bản HarperCollins Christian, nói hôm qua.
Phát biểu trước Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) trong khuôn khổ các phiên điều trần kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ 17/6, về kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Schoenwald nói rằng việc áp mức thuế 25% sẽ gây khó khăn cho quá trình xuất bản các ấn phẩm, dẫn đến tình trạng tăng giá và thiếu hụt Kinh thánh trên thị trường Mỹ, gây tổn hại cho các nhà thờ, các tổ chức tôn giáo và phi lợi nhuận.
Stan Jantz, người đứng đầu Hiệp hội nhà xuất bản Tin Lành, cho biết Trump hiện nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà truyền giáo Tin Lành, nên ông hy vọng Tổng thống sẽ xem Kinh thánh là trường hợp ngoại lệ trong chính sách áp thuế dự kiến với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Daniel Reynolds, CEO của nhà xuất bản Workman, nhấn mạnh hiện chưa có sự thay thế khả thi nào cho các sản phẩm in ấn được sản xuất ở Trung Quốc, bởi nước này sở hữu công nghệ in chống thấm và chất liệu không độc hại và đã đầu tư lớn cho các thiết bị chuyên dụng in ấn. “Nếu áp thuế, chúng ta sẽ có ít sách hơn dành cho trẻ em Mỹ”, Reynolds nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ M. Luisa Simpson cho rằng công suất in của các nhà xuất bản tại Mỹ bị hạn chế kể từ những năm 1980 vì lợi nhuận thấp. Việc áp thuế cao hơn với sách có xuất xứ Trung Quốc đồng nghĩa với việc một số ấn phẩm sẽ bị dừng phát hành và quy mô các nhà xuất bản có thể phải thu nhỏ lại, còn các cửa hàng sách, trường học, thư viện cũng có thể bị ảnh hưởng.
Trump đang bày tỏ hy vọng sẽ đạt được bước đột phá trong chiến tranh thương mại khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Nhật vào cuối tháng 6. Phái đoàn đàm phán thương mại hai nước sẽ nối lại các cuộc thảo luận trước khi cuộc gặp này diễn ra.